5 MẸO NHỎ GIÚP BẠN NÓI TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG KHÔNG BỊ RUN
Những lúc đối mặt với tập thể và đám đông là điều vô cùng khó khăn với nhiều người, sẽ có những áp lực vô hình, sự lo lắng, căng thẳng ảnh hướng đến phong thái và những nội dung mà bạn chuẩn bị nói. Sau đây là 5 mẹo nhỏ giúp bạn nói trước đám đông không bị run.
1. Biết rõ điều mình muốn nói, ghi nó ra giấy
Khi bạn đang mông lung chưa biết phải nói gì với chủ đề được chọn, thì đơn giản nhất là cầm bút lên thử suy nghĩ và viết ra. Bạn cứ tiếp tục viết liên tục những gì mình nghĩ, những điều mình cảm thấy nó thú vị, đừng ngại chuyện viết sai.
Sau khi viết ra được dàn ý thì bạn hoàn toàn có thể dựa vào lượng kiến thức bạn có hoặc trong sách vở, hay đến từ các trang tìm kiếm. Và bạn bồi đắp thêm những dẫn chứng, những luận điểm cụ thể mang tính khách quan, chính xác.
2. Tập trung vào khán giả
Việc bạn tập trung vào khán giả, người nghe tưởng chừng làm bạn hồi hộp, run hơn nhưng thực tế đó là do bạn nghĩ về bản thân mình quá nhiều, nên chưa thể tập trung suy nghĩ vào nội dung mình muốn truyền đạt đến mọi người mà thôi. Vì vậy hãy quan tâm tới việc nếu bạn là người nghe, bạn sẽ phải diễn đạt như thế nào để mọi người có thể hiểu rõ ý mình nhất.
Hãy xem người nghe như bạn bè của mình, và mình chỉ đang tám chuyện với họ. Đánh lừa bộ não của bạn để bạn có thể giảm được sự hồi hộp, lo lắng. Chuyện này khá đơn giản mà phải không? Hãy tự tin và làm thử xem, rồi bạn sẽ làm tốt thôi.
3. Đừng sợ làm trò cười
Mỉm cười khi bắt đầu luôn là một hành động thu hút sự chú ý của mọi người. Nụ cười của bạn sẽ đem một cái nhìn thiện cảm, vui vẻ với người nghe. Luôn giữ nụ cười trên môi là một điểm cộng cho bạn đấy.
Hít thở sâu cũng là một bước quan trọng để lấy lại sự cân bằng, sự điềm tĩnh, hiên ngang của bản thân. Hãy dũng cảm lao vào cuộc chơi của mình. Đừng sợ những gì mình nói ra sẽ sai, sẽ làm trò cười, việc bạn đứng lên thuyết trình là bạn đã hơn những người ngồi dưới về sự dũng cảm rồi. Suy nghĩ tích cực để bản thân có thể tiến tới không nao núng, bị khựng khi nói, trình bày quan điểm của mình.
Xem thêm: 12 cách rèn luyện tư duy nhanh bạn nên biết
4. Thực hành với người quen
Việc bạn thực hành với người khác là một bước khá quan trọng để giúp bạn không bị vấp, quên những điều bạn đã chuẩn bị. Một số lời khuyên nói rằng bạn hãy tập nói một mình, nói trước gương, nhưng điều đó chỉ đúng khi bạn đang thuyết trình cho bản thân mà thôi. Cái gương không thể chỉ cho bạn những điểm yếu, những chỗ chưa hợp lí.
Hãy tìm một vài người bạn, nhờ họ lắng nghe bài thuyết trình của mình, đưa ra những góp ý, lời khuyên về những điểm cảm thấy chưa ổn. Và bạn phải thực hành thật nhiều trước khi lên thuyết trình thực sự. Thà đổ mồ hôi luyện tập còn hơn phải bị thất bại ở cuộc chiến. Nếu bạn đã xác định được tầm quan trọng của bài thuyết trình bạn nên luyện tập liên tục như vậy.
5. Khi không có gì để nói thì hãy tiếp tục nói
Bạn nghĩ sao về việc khi bị bí, quên sạch những điều chuẩn bị trong đầu trong một khoẳng khắc nào đó. Hẳn nó sẽ rất khó chịu với bạn và ngay cả người nghe đúng không? Và đây là một cách mà bạn có thể áp dụng trong khoảng thời gian ngắn đó.
Ví dụ như sau khi bạn không nhớ 1 thứ gì trong đầu thì hãy cứ nói ra: “Cái gì ta tự nhiên quên mình nói tới đâu rồi?” hay “Tự nhiên mình quên gì để nói.”
Vì khi làm như vậy sẽ khiến não bạn sẽ bị kích thích bởi ngôn từ và sẽ tìm thứ để nói tiếp tục. Khán giả cũng sẽ không bị sao lãng.
Hoặc bạn có thể nói như trên, rồi hỏi tiếp khán giả, người nghe rằng: “Tôi đã nói tới đâu rồi?” Mọi người hiển nhiên sẽ chỉ cho bạn ngay tức khắc. Và tin mình đi bạn sẽ biết tiếp tục bài thuyết trình ở đâu. Vừa câu thời gian cho trí não suy nghĩ vừa đem lại sự tương tác với mọi người.
Hi vọng với 5 cách nói trước đám đông không bị run trên, mình mong bạn có thể chinh phục được người nghe, tạo sự kết nối với mọi người trong khán phòng.
Trang chủ: Hacktuduy.com